Lãnh tụ Isma'il Pasha (Isma'il Lộng lẫy) (1863-1879) Ai Cập dưới thời nhà Muhammad Ali

Họa đồ kênh Suez năm 1881

Isma'il Pasha là con của Ibrahim Pasha, lên nối nghiệp chú. Ông có ngoại hiệu là Isma'il Lộng lẫy, tức Isma'il the Magnificent trong tiếng Anh. Ông được nhiều huân chương danh dự do các nước ngoài như Pháp, Ý, Phổ, Hà Lan,… trao tặng.

Thực hiện kênh Suez

Người Anh thừa dịp Sa'id Pasha mất, vận động vua Thổ ra lệnh ngưng đào kênh Suez. Ngày 6 tháng 4 năm 1863, vua Thổ là Abdul Aziz đặt điều kiện là phải bãi bỏ lao động cưỡng bách và vùng kênh đào Suez phải trung lập. Ngày 6 tháng 7 năm 1864, hoàng đế Pháp là Napoléon III với tư cách là trọng tài được mọi bên chấp nhận, bắt buộc nhà nước Ai Cập phải bồi thường Công ty Suez 84.000.000 quan Pháp, trong đó 38.000.000 vì lý do ngưng cung cấp phu lao động cưỡng bách.[13] Công ty đưa một số máy móc vào thay sức nhân công bị thiếu hụt. Bị khá nhiều trắc trở, nhưng công cuộc đào kênh Suez vẫn tiến hành, và đưa đến sự xây dựng một thành phố mới, ở đoạn giữa kênh Suez, được đặt tên của Isma'il Pasha: Ismailia.

Trong hai tháng 6 và 7 năm 1865, một trận dịch tả lan ra ở vùng kênh Suez, khiến những dân phu đi đào kênh bị chết hại rất nhiều. Cuối cùng, kênh Suez được khánh thành ngày 17 tháng 11 năm 1869, có mặt hoàng hậu Eugénie của Pháp và chính khách từ nhiều nước được Isma'il Pasha mời tới.

Các cải cách

Cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 - 1865) làm giá bông vải tăng vọt (miền nam Hoa Kỳ vốn có rất nhiều đồn điền bông vải), khiến cho nhà nước Ai Cập được khá nhiều lợi nhuận từ bông vải vào đầu đời Isma'il Pasha. Nguồn lợi này khiến cho Isma'il Pasha bồi thường Công ty Suez dễ dàng hơn, và tiến hành nhiều cải cách. Ông tái lập và cải thiện hệ thống hành chính của Muhammad Ali, vốn đã bị phá hỏng bởi Abbas I. Năm 1865 ông lập nhà bưu điện Ai Cập (Ai Cập đã có hệ thống bưu chính thời khalip Mu'Awiya I (661 - 680)). Ông tái tổ chức các trường võ bị của Muhammad Ali Pasha lập ra, và nâng số quân lên đến 94.000 năm 1874. Ông cũng ủng hộ ngành giáo dục đôi chút. Ông thuê các công ty giỏi nhất châu Âu làm đường hỏa xa, hệ thống điện báo, các hải đăng, con đê chặn sóng của Alexandria. Ông cho mở mang thủ đô Cairo rộng lớn thêm và cho xây gán vào Cairo một thành phố ở tả ngạn sông Nin theo kiểu mẫu thành phố Paris.

Isma'il Pasha cũng tiếp tục đường lối cố gắng bài trừ tệ nạn buôn bán nô lệ của Sa'id Pasha.

Quy chế nối nghiệp và tước hiệu

Năm 1866 ông được vua Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận thay đổi quy chế nối nghiệp. Trước nay, theo luật Thổ Nhĩ Kỳ, người nối nghiệp phải là người đàn ông có tuổi nhất trong gia đình, cho nên đã có trường hợp Sa'id Pasha là chú nhưng sinh sau (1822) phải lên nắm quyền sau cháu là Abbas I, sinh năm 1813. Đổi lấy số tiền nộp cống tăng lên gần gấp đôi, từ giờ trở đi quyền nối nghiệp trở thành ưu tiên cho con trai trưởng.

Năm 1867 Isma'il Pasha lại được nhà Ottoman nhìn nhận là khedive (chúa). Trước nay, những người tiền nhiệm của ông, kể từ Muhammad Ali Pasha chỉ tiếm xưng chức này, nhưng không được nhà Ottoman công nhận - mặc dù họ lại ít lệ thuộc vào nhà Ottoman hơn ông.

Năm 1873 lại có thánh chỉ nhà Ottoman nhìn nhận thêm nhiều đặc quyền của các khedive Ai Cập.

Nợ nần và thuế khóa

Từ khi cuộc nội chiến Hoa Kỳ chấm dứt, giá bông vải tụt xuống dần, khiến nhà nước Ai Cập gặp nhiều khó khăn về tài chính. Isma'il Pasha lại sống phô trương, xa hoa lộng lẫy, xây cất nhiều cung điện, nên chính quyền đánh thuế dân rất nhiều.

Về điều kiện sống của người dân, trong "Những lá thư cuối cùng từ Ai Cập", Duff Gordon phu nhân đã kể:

Tôi không thể tả được cái nghèo ở đây bây giờ với mỗi ngày thêm vài thứ thuế mới. Mỗi con vật, lạc đà, bò, cừu, lừa và ngựa đều có khoản thuế. Người nông dân nghèo fellah không còn được ăn bánh mì nữa, họ sống nhờ ăn cháo lúa mạch, rau sống,… Sưu thuế làm cho người ta không sống nổi: một thứ thuế cho mỗi loại ngũ cốc, cho mỗi loại súc vật, và lại đánh thuế lần nữa khi bán ở chợ; trên mỗi người, trên than, trên bơ, trên muối … Dân chúng ở miền Thượng Ai Cập bỏ xứ mà đi hàng đoàn, vì không còn trả nổi thuế, không còn làm nổi công việc bị cưỡng bách. Ngay ở đây (Cairo), những vụ đánh đập để lấy thuế hàng năm thật là đáng sợ.[14]

Bành trướng ở phương nam

Trước đó, năm 1865, Isma'il Pasha được nhà Ottoman ban cho tỉnh Habesh (Abyssinia), bấy giờ là một dải đất duyên hải hẹp kề cận nước Ethiopia. Từ vùng đất này, Isma'il Pasha mở rộng địa bàn, lấn sâu vào đất của hoàng đế Yohannes IV của Ethiopia (1872 - 1889), lập những đồn điền bông vải rộng bao la.

Phía tây nam, năm 1874 ông chiếm vùng Darfur ở tây bộ Sudan.

Nhưng đến tháng 11 năm 1875 quân ông bị quân Ethiopia đánh tan tác tại trận Gundet. Tháng 3 năm 1876 quân ông lại bị quân hoàng đế Yohannes IV của Ethiopia đánh bại tại trận Gura', con ông là Hassan bị bắt, sau đó phải chuộc bằng một món tiền khổng lồ.

Kiệt quệ tài chính

Tiền nợ của chính phủ Ai Cập, từ 3.000.000 bảng Anh năm 1863, tăng nhanh đến 100.000.000 bảng Anh năm 1874.[15] Năm 1875, sự sản xuất trong nước không còn đủ cung cấp cho ngay cả những nhu cầu cấp bách nhất của bộ máy hành chính. Isma'il Pasha cũng đã nhiều lần thất hứa trong hạn kỳ trả nợ, nên không còn vay mượn gì được ở thị trường châu Âu nữa. Sưu thuế bấy giờ thường thu trước nhiều tháng. Số nợ khổng lồ lại tăng nhanh. Isma'il Pasha đành phải bán cho chính phủ Anh 176.602 cổ phần công ty Suez với giá 976.582 Anh kim ngày 25 tháng 11 năm 1875.

Người Anh và Pháp sợ những món tiền đầu tư kếch sù của họ ở Ai Cập bị tan thành mây khói, nên lập hệ thống "Kiểm soát song phương" để kềm chế một số thất thoát tài chính trong chính phủ Ai Cập.

Năm 1877, mực nước sông Nin quá thấp, không đủ cung cấp cho các ruộng nương, vườn tược, dân chúng lại khổ vì thất mùa. Năm đó Ai Cập lại phải cung cấp cho nhà Ottoman 25.000 quân và lương thảo trong cuộc Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1877–1878).[16]

Tháng 8 năm 1878, lần đầu tiên Ai Cập lập thủ tướng theo lối Tây phương. Ông Nubar Pasha, một người thân tín của Isma'il Pasha, trở thành vị thủ tướng đầu tiên. Tháng 9 năm 1878, cuộc "Kiểm soát song phương" được thay thế bằng sự có mặt của hai bộ trưởng người nước ngoài trong nội các vừa thành lập của Ai Cập: ông Charles Rivers Wilson, người Anh, giữ chức bộ trưởng tài chính; ông Ernest-Gabriel de Blignières, người Pháp, giữ chức bộ trưởng công chánh.

Isma'il Pasha không chịu được những tình trạng kiểm soát gò bó này, nên ngầm tổ chức một cuộc nổi loạn của quân đội để nắm lại trọn quyền. Người Anh và Pháp phản ứng bằng cách nhờ nhà Ottoman hạ chiếu chỉ truất phế ông ngày 26 tháng 6 năm 1879 và lập con trai trưởng của ông là Tewfik lên thay. Nằm trong thế kẹt, Isma'il Pasha rời ngôi khedive (chúa) không chút kháng cự nào.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ai Cập dưới thời nhà Muhammad Ali http://encarta.msn.com/encyclopedia_761554408/isma... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F1... http://www.ordenskreuz.com/egypt.html http://www.queennarriman.com/English/index.html http://fr.structurae.de/projects/data/index.cfm?id... http://www.4dw.net/royalark/Egypt/egypt.htm http://www.napoleon.org/fr/salle_lecture/chronolog... http://urss.ru/cgi-bin/db.pl?cp=&page=Book&id=3748... https://web.archive.org/web/20040619074441/http://...